Một phóng viên đài NHK quay lại đoạn video cho thấy một số vật thể cháy sáng khi di chuyển qua bầu trời gần TP Naha, tỉnh Okinawa thuộc miền Nam
Nhật Bản xôn xao vì nhiều vệt sáng bay qua bầu trời
(NLĐO) – Các vật thể kỳ lạ giống như quả cầu lửa bay qua bầu trời tỉnh Okinawa của Nhật Bản vào tối 10-5, gây xôn xao trong dân chúng.
Những vệt sáng bay qua bầu trời đêm Okinawa, Nhật Bản, ngày 10-5. Ảnh: Twitter

Người dân Nhật ở Okinawa đều có thể quan sát thấy vật thể này trên bầu trời. Ảnh: Asahi
Một số người dân địa phương cũng đăng tải video quay những quả cầu lửa bí ẩn lên mạng xã hội. Một số người đồn đoán đây có thể là sao băng hay mảnh của một thiên thạch. Trong khi một số khen đẹp, "trông như một cây nở đầy hoa"…, không ít người lại lo lắng.
Hiện vẫn chưa có thông tin xác minh chính xác những vật thể trên là gì.

Những vệt sáng bay qua bầu trời đêm ở khu vực miền Nam Nhật Bản có thể do mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc tạo ra. Ảnh: Yahoo News

Ảnh: Kyodo News
Đài quan sát Ishigakijima đã đưa ra lời giải thích hợp lý hơn. Đại diện đài quan sát nói: "Với những thông tin công khai hiện có, chúng tôi nghĩ rằng những vật rơi xuống không phải từ thiên thạch, mà là bộ phận của một tên lửa".
Các vật thể kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời Okinawa có thể là mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc phóng vào tháng 11-2022. Các mảnh vỡ được cho là sẽ rơi trở lại khí quyển Trái đất vào tối ngày 10-5, với đường bay di chuyển trực tiếp qua đảo chính của tỉnh Okinawa hoặc ở phía Bắc hòn đảo.
Bộ phận tên lửa được cho là có thể đã rơi xuống biển và không gây nguy hiểm.
Đài quan sát Ishigakijima cho biết: "Sao băng và thiên thạch có thể sẽ lao vào Trái Đất theo phương thẳng đứng hoặc phương xiên như các mảnh vỡ từ vệ tinh và tên lửa đang quay quanh Trái đất. Vì vậy, có thể các mảnh vỡ sẽ xuất hiện giống như vật thể trên bầu trời Okinawa với hướng bay từ từ vào bầu khí quyển và gần song song với Trái Đất thời gian bốc cháy cũng dài hơn".
Theo đài RT, ngày 10-5 cũng nằm trong thời điểm diễn ra mưa sao băng Eta Aquarid kéo dài từ ngày 15-4 đến ngày 27-5. Thế nhưng cực điểm của trận mưa năm nay đã diễn ra vào tuần trước. Do đó, chưa rõ liệu hiện tượng trên bầu trời Okinawa tối qua có phải là mưa sao băng hay không.